Thursday, 09/01/2025 - 02:45|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS CLC Dương Phúc Tư

Tham vấn, hướng nghiệp cho học sinh: Phải coi là việc làm có định hướng, thường xuyên

GD&TĐ - Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở trường phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay ở trường phổ thông, giáo viên vẫn còn khó khăn, lúng túng khi triển khai GDHN. Chính vì vậy, làm thế nào để GDHN thông qua hoạt động tham vấn nghề cũng như đề xuất quy trình thực hiện nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả cho học sinh (HS) đang là vấn đề còn rất nhiều thách thức.

Tham van, huong nghiep cho hoc sinh: Phai coi la viec lam co dinh huong, thuong xuyen - Anh 1

Khẳng định vai trò của trường học

Theo TS Lê Thị Xuân Thu - Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), hiện nay công tác tư vấn chọn ngành nghề, chọn khối, môn thi ngoài các môn thi bắt buộc trong Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) của HS hiện đang được các nhà trường thực hiện linh hoạt. Nhưng với HS, vấn đề này thực sự là một “bài toán khó” khi mà bản thân HS không có nhiều thông tin về việc quy hoạch nhu cầu nguồn nhân lực ở địa phương, hay những thông tin có tính cơ sở thực tiễn về nhu cầu ngành nghề lao động trong tương lai.

“Công tác tư vấn chọn nghề cho HS của các trường học cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức giới thiệu các ngành nghề để HS xem xét lựa chọn hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn đến tư vấn, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của đơn vị đó. Đây chỉ là giải pháp tình thế, thực sự chưa mang lại hiệu quả cao trong việc định hướng HS chọn lựa được ngành học phù hợp.

Điều này khiến chúng ta cần xem xét thêm việc thực hiện công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông đã thực sự “đóng vai trò chủ đạo nhằm hướng dẫn và chuẩn bị cho thế hệ trẻ cả về tâm thế và kỹ năng để các em có thể sẵn sàng đi vào lao động hoặc tự tạo việc làm ở các ngành nghề xã hội đang cần phát triển, đồng thời phù hợp với hứng thú, năng lực của cá nhân cũng như hoàn cảnh gia đình “hay chưa?” - TS Lê Thị Xuân Thu chia sẻ.

TS Lê Thị Xuân Thu cho biết thêm: Thực tế cũng cho thấy rằng mỗi HS có một mức độ nhận thức về nghề nghiệp là khác nhau, nó phụ thuộc vào trình độ nhận thức của mỗi người, đồng thời phụ thuộc vào tính tích cực hoạt động nhận thức của mỗi người trong việc chiếm lĩnh tri thức.

Sự hiểu biết của HS về nghề, về các yêu cầu của nghề là rất ít và chung chung, chính vì vậy mà các em rất cần được tư vấn, nhưng thực tế thì các em lại không nhận được sự tư vấn đầy đủ từ các đối tượng mà các em tìm đến tư vấn, từ đó đã dẫn đến việc HS có sự nhận thức mơ hồ, khiến HS chọn nghề không chính xác, dẫn đến một hệ quả là sinh viên khi ra trường không tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, công ty...

Tuy nhu cầu tư vấn hướng nghiệp của HS rất cao nhưng mức độ đáp ứng nhu cầu này thì chưa đủ vì hầu hết các hoạt động tư vấn trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả. Xuất phát từ điều đó, HS có nhu cầu được hướng nghiệp càng sớm càng tốt. Chính những định hướng kịp thời sẽ tạo tiền đề rất quan trọng cũng như là một sự động viên, khích lệ để các em đi đúng hướng mà không bị loay hoay trong mê cung “nghề - học” của mình.

Hướng tới tính thiết thực, hiệu quả

Theo ThS Lê Thị Duyên - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), mục đích chủ yếu của GDHN là phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng sáng tạo của cá nhân HS; giúp HS hiểu mình và hiểu yêu cầu của nghề; sẵn sàng tâm lý đi vào những nghề mà các thành phần kinh tế trong xã hội đang cần nhân lực. Nhiệm vụ của GDHN cho HS phổ thông là giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn với nghề nghiệp; giúp HS làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương; tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng HS để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; động viên HS đi vào những nghề, những nơi đang cần.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều người có việc làm cũng phải đào tạo lại; hay vấn đề đi học “ngược” - tức là tốt nghiệp đại học thậm chí là cao học nhưng lại quay về học trung cấp đang diễn ra phổ biến. Điều này, cho thấy công tác GDHN ở các trường phổ thông chưa thật sự hiệu quả. Chính vì vậy, trường học cần quan tâm hơn nữa đến GDHN, trong đó cần xem tư vấn, tham vấn nghề là một hình thức hướng nghiệp tương ứng với giáo dục nghề, tuyên truyền nghề và tuyển chọn nghề. Để tăng hiệu quả của GDHN ở nhà trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay cần đưa tham vấn nghề vào nhà trường phổ thông như là một hình thức GDHN quan trọng.

Theo ThS Bùi Thị Thanh Diệu - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), công tác GDHN thông qua hoạt động tham vấn nghề cần tập trung thực hiện trợ giúp HS tự nhận thức và đánh giá về bản thân, tìm hiểu về ngành, nghề, trường đào tạo, trợ giúp HS đưa ra quyết định lựa chọn nghề. Bởi vậy, khi thực hiện GDHN thông qua hoạt động tham vấn nghề ở trường phổ thông cần xây dựng mối quan hệ với HS có nhu cầu về tham vấn hướng nghiệp. Tạo cho HS cảm thấy thoải mái, gần gũi khi được lắng nghe; HS cởi mở hơn trong khi chia sẻ, tâm sự. Đồng thời qua đó nhà tham vấn có thể thu được một số thông tin ban đầu đặc điểm thân chủ cũng như các vấn đề mà HS cần trợ giúp, như: Học lực, tổ hợp môn xét tuyển, hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe, sở thích, năng lực, tính cách, mong muốn nghề nghiệp hiện tại của HS và những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề hiện tại mà HS đang gặp phải…

“Từ đó, giúp HS nhận thức những vấn đề của mình, tự đánh giá năng lực, tính cách bản thân; có nghĩa là các em xác định đúng vấn đề của mình, phân tích được vấn đề dựa trên kinh nghiệm, tri thức và hoạt động của bản thân. Trên cơ sở đó, giúp HS tìm hiểu về ngành, nghề đào tạo, trường đào tạo, yêu cầu của nghề cũng như các trường có đào tạo nghề. Mục đích cuối cùng là giúp HS đưa ra được quyết định chọn nghề phù hợp và xây dựng được kế hoạch cũng như giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chọn nghề. Sau khi chọn xong ngành, nghề, nhà tham vấn trợ giúp cho HS tìm hiểu thông tin về các trường đào tạo. Qua đó, giúp HS lập được kế hoạch và thực hiện để đạt được kết quả lựa chọn nghề nghiệp của mình” - ThS Bùi Thị Thanh Diệu chia sẻ.

ThS Lê Thị Duyên đánh giá: Thông qua hoạt động tham vấn nghề, giúp HS giải quyết được những khó khăn trong quá trình chọn nghề; trợ giúp các em có được những năng lực cơ bản trong lựa chọn nghề nghiệp như năng lực tự đánh giá bản thân; năng lực hiểu biết về ngành, nghề, trường đào tạo và năng lực lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Đồng thời, giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện nay bên cạnh làm tốt nhiệm vụ của người giáo viên thì cần phải là những nhà tham vấn nghề với đầy đủ những kiến thức và năng lực để trợ giúp HS những khi cần thiết.

Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4
Hôm qua : 12
Tháng 01 : 54
Năm 2025 : 54